Từ nay đến giữa tháng 11, khoảng 10 chuyên gia tư vấn Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết như trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 28/10.
Theo ông, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông (dự án); đồng thời, cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng (quý I/2021).
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam, được ký kết vào năm 2008. Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, khối lượng xây lắp và thiết bị của dự án đã cơ bản hoàn thành, nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.
Hiện còn một số tồn tại mà chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), TP Hà Nội và các đơn vị liên quan không giải quyết được. Do đó, tại cuộc họp, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay TP Hà Nội với tư cách địa phương sử dụng công trình.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Trong đó, vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực.
“An toàn phải đặt lên hàng đầu”, Thủ tướng nêu rõ, vì nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức. Hồi tháng 6, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trong năm 2020; báo cáo Chính phủ những vướng mắc của dự án, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng.